Táo bón ở người già là tình trạng phổ biến và cao gấp 5 lần so với người trẻ tuổi. Mặc dù thỉnh thoảng táo bón không dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng, tuy nhiên đối với người lớn tuổi, táo bón cần được điều trị phù hợp để tránh các rủi ro không mong muốn.
Táo bón ở người già là gì?
Táo bón ở người già là tình trạng ngày càng trở nên phổ biến. Khi lão hóa, cơ thể trải qua nhiều thay đổi khác nhau, bao gồm cả thay đổi hiệu quả của hệ thống tiêu hóa. Ngoài ra, thói quen ăn uống không lành mạnh hoặc thay đổi chế độ ăn uống và tác động của các loại thuốc điều trị bệnh, có thể làm chậm hoạt động của quá trình tiêu hóa, dẫn đến táo bón.
Nguyên nhân thường do rối loạn chức năng sàn chậu: Là tình trạng có các vấn đề ở các cơ sàn chậu hoặc các cơ xung quanh hậu môn (cơ vòng hậu môn). Những người bệnh táo bón dạng này thường có khả năng phối hợp kém ở các cơ trong quá trình đại tiện, dẫn đến cảm giác đi đại tiện không hết.
Táo bón là căn bệnh thường gặp ở người già
Các dấu hiệu và triệu chứng táo bón ở người già
Táo bón ở người già đặc trưng bởi tình trạng đi đại tiện không thường xuyên. Mặc dù không có số lần đi đại tiện khỏe mạnh tiêu chuẩn, tuy nhiên những người đi đại tiện ít hơn 3 lần mỗi tuần được cho là bị táo bón. Bên cạnh đó, các dấu hiệu và triệu chứng táo bón khác có thể bao gồm:
-Phân cứng và vón cục
-Căng thẳng khi đi đại tiện
-Cảm nhận được việc đi đại tiện không hoàn toàn, có cảm giác không thể làm trống trực tràng sau khi đi đại tiện
-Cần có sự hỗ trợ như dùng sức rặn hoặc dùng tay để lấy phân ra khỏi hậu môn
-Chướng bụng, đầy hơi, khó tiêu
Nguyên nhân gây táo bón ở người già
Có rất nhiều nguyên nhân và yếu tố rủi ro có thể dẫn đến các triệu chứng táo bón ở người già, tuy nhiên hầu hết các nguyên nhân có thể cải thiện bằng cách thay đổi lối sống và chế độ ăn uống.
1. Chế độ ăn uống không phù hợp
Chế độ ăn uống ít chất xơ là nguyên nhân phổ biến nhất có thể dẫn đến táo bón ở mọi lứa tuổi. Bên cạnh đó, khi cơ thể lão hóa, hệ thống tiêu hóa không thể dung nạp một số loại thực phẩm và dẫn đến các dấu hiệu táo bón.
Bên cạnh đó, người già ăn quá nhiều các loại thực phẩm chế biến sẵn thường có nguy cơ táo bón cao hơn những người khác. Thực phẩm chế biến sẵn thường ít chất xơ, không chứa các chất dinh dưỡng cần thiết, nhiều đường và các chất bảo quản. Ngoài ra, các loại thực phẩm chế biến sẵn thường chứa nhiều chất tạo ngọt. Điều này có thể gây ra các vấn đề về răng, miệng (làm giảm khả năng nhai thức ăn) và góp phần tăng nguy cơ táo bón.
2. Lạm dụng thuốc nhuận tràng
Lạm dụng thuốc nhuận tràng là một trong những nguyên nhân gây táo bón ở người già
Thuốc nhuận tràng được sản xuất để hỗ trợ và thúc đẩy quá trình đại tiện diễn ra dễ dàng hơn. Tuy nhiên, lạm dụng thuốc nhuận tràng, đặc biệt là ở người cao tuổi, có thể dẫn đến phụ thuộc thuốc và khiến người bệnh không thể đi đại tiện khi không có sự tác động của thuốc. Bên cạnh đó, thường xuyên sử dụng thuốc nhuận tràng có thể dẫn đến đầy hơi, chướng bụng và khó tiêu.
Ngoài ra, hầu hết các loại thuốc nhuận tràng được chỉ định sử dụng dưới hai tuần để cải thiện các vấn đề táo bón. Sử dụng thuốc quá thời gian quy định có thể dẫn đến nhiều nguy cơ và rủi ro, bao gồm mất nước và các chất điện giải trong cơ thể. Tình trạng này có thể dẫn đến nhiều rủi ro không mong muốn, đặc biệt là ở người lớn tuổi.
3. Lối sống ít vận động
Các hoạt động vận động thể chất có thể giúp hệ thống tiêu hóa hoạt động tốt hơn và ngăn ngừa táo bón hiệu quả. Không tập thể dục thường xuyên hoặc người lớn tuổi hạn chế các hoạt động thể chất vì các lý do y tế, có nguy cơ mắc bệnh táo bón cao hơn những người khác.
Bên cạnh đó, việc nhịn đi đại tiện khi có nhu cầu thường khiến tình trạng táo bón trở nên nghiêm trọng hơn. Điều này làm chậm quá trình di chuyển của phân, khiến phân trở nên khô cứng và khó đi ra khỏi hệ thống tiêu hóa.
4. Mắc một số bệnh lý
-Các bệnh lý về trực tràng hoặc đại tràng như tắc ruột, hội chứng ruột kích thích hoặc bệnh viêm túi thừa
-Một số bệnh lý thần kinh như bệnh Parkinson, đột quỵ hoặc bệnh tiểu đường
-Các vấn đề nội tiết tố như tuyến giáp hoạt động kém
Việc sử dụng thuốc bổ, thực phẩm chức năng và các viên uống sức khỏe thường xuyên cũng có thể tăng nguy cơ táo bón ở người già. Do đó, người già cần sử dụng thuốc để điều trị bệnh hoặc tăng cường sức khỏe, cần sử dụng thuốc theo hướng dẫn sử dụng và chỉ định của bác sĩ. Bên cạnh đó, uống nhiều nước và bổ sung chất xơ trong chế độ ăn uống để ngăn ngừa các nguy cơ táo bón.
Táo bón ở người già có nguy hiểm không?
Trong hầu hết các trường hợp táo bón ở người già không nghiêm trọng và có thể cải thiện bằng các biện pháp xử lý tại nhà. Tuy nhiên nếu không được điều trị và xử lý phù hợp, tình trạng táo bón kéo dài có thể dẫn đến một số biến chứng bao gồm:
-Ứ đọng phân (phân không thể thoát ra ngoài): Phân càng tích tụ lâu bên trong ruột già, phân càng trở nên khô và cứng. Điều này khiến phân bị tắc nghẽn ở bên trong ruột và có thể gây ứ đọng nếu không được xử lý y tế phù hợp.
Một trong những biến chứng thường gặp khi người già bị táo bón là bệnh trĩ
-Bệnh trĩ (sưng các tĩnh mạch ở hậu môn): Hầu hết các trường hợp táo bón ở người già đều có nguy cơ biến chứng thành bệnh trĩ cao, do người bệnh thường có xu hướng dùng sức rặn để đi vệ sinh. Việc rặn trong thời gian dài khi đi đại tiện có thể khiến các tính mạch ở hậu môn bị tổn thương, sưng, viêm, dẫn đến bệnh trĩ hoặc trĩ chảy máu.
-Rò hậu môn (rách da ở hậu môn): Táo bón dẫn đến tình trạng phân to và cứng. Điều này có thể dẫn đến các vết rách hậu môn khi đi đại tiện, gây nhiễm trùng và rò lỗ hậu môn.
Chẩn đoán chứng táo bón ở người già
Táo bón ở người già có thể được chẩn đoán dựa trên các triệu chứng và thăm khám sức khỏe tổng thể. Bác sĩ có thể đề nghị kiểm tra trực tràng để xác định các vấn đề và tình trạng sức khỏe có thể dẫn đến chứng táo bón. Bên cạnh đó, bác sĩ cũng có thể đề nghị một số xét nghiệm bổ sung như:
-Xét nghiệm máu: Có thể xác định tình trạng gây mất nước và táo bón ở người cao tuổi, chẳng hạn như các chức năng tuyến giáp thấp (suy giáp).
-Nội soi đại tràng hoặc nội soi đại tràng xích ma: Đây là thủ tục kiểm tra đại tràng và đại tràng xích ma để xác định các tổn thương hoặc các vấn đề ở toàn bộ đại tràng.
-Chụp X – quang và chụp cộng hưởng từ MRI: Các thủ thuật trực quan có thể được sử dụng để kiểm tra các vấn đề ở hậu môn và trực tràng khi người bệnh đi đại tiện.
Bên cạnh đó, một số chứng rối loạn cơ và thần kinh cũng có thể dẫn đến táo bón bao gồm viêm da cơ, bệnh xơ cứng toàn thân, bệnh thần kinh tự chủ, bệnh Parkinson, tổn thương tủy sống và trầm cảm. Tùy thuộc vào các triệu chứng và biểu hiện, bác sĩ có thể đề nghị các xét nghiệm chẩn đoán chuyên môn khác.
Biện pháp điều trị táo bón ở người già
Cụ thể, phụ thuộc vào các triệu chứng và nguyên nhân gây táo bón, bác sĩ có thể đề nghị các biện pháp điều trị như:
1. Thay đổi chế độ ăn uống và lối sống
-Uống đầy đủ nước: Người bệnh cần đảm bảo uống đầy đủ lượng nước cần thiết mỗi ngày. Mất nước là một trong những nguyên nhân khiến phân khô cứng, khó đi ra khỏi cơ thể và dẫn đến các triệu chứng táo bón.
–Tăng lượng chất xơ: Bổ sung các loại thực phẩm giàu chất xơ là một cách tốt và an toàn để cải thiện chứng táo bón ở người cao tuổi. Chất xơ có thể tăng trọng lượng và khối lượng của phân, điều này có thể giúp phân đi qua ruột nhanh chóng hơn.
-Vận động mỗi ngày: Người lớn tuổi nên dành thời gian tập thể dục, đi bộ mỗi ngày để tăng các hoạt động của ruột, thúc đẩy phân di chuyển và ngăn ngừa các triệu chứng táo bón.
-Đi đại tiện ngay khi có nhu cầu: Việc trì hoãn cảm giác muốn đi đại tiện là một trong những nguyên nhân khiến phân mất nước, trở nên khô cứng và gây táo bón. Do đó, người lớn tuổi nên đi đại tiện ngay khi có nhu cầu.
2. Phẫu thuật
Đối với người bệnh gặp các nguy cơ về vùng chậu, bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật hoặc liệu pháp điều chỉnh các cơ xương chậu để cải thiện tình trạng táo bón.
Trong trường hợp tắc nghẽn trực tràng, nứt hậu môn, bệnh trĩ, hẹp trực tràng, phẫu thuật có thể là lựa chọn điều trị chứng táo bón ở người già duy nhất mang lại hiệu quả. Tuy nhiên, hiếm khi các bộ phận của trực tràng hoặc ruột kết cần được cắt bỏ, trừ khi người bệnh có các khối u hoặc có nguy cơ ung thư cao.
Táo bón ở người già là tình trạng phổ biến và có thể điều chỉnh bằng cách thay đổi chế độ ăn uống và lối sống. Tuy nhiên, trong các trường hợp nghiêm trọng hoặc có liên quan đến các bệnh lý tiềm ẩn, người bệnh nên đến bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị phù hợp. Trao đổi với bác sĩ nếu có bất cứ thắc mắc hoặc câu hỏi nào có liên quan.