Câu 1: Trẻ bị tiểu đường do những nguyên nhân gì?

 

 

Tiểu đường ở trẻ em đa phần đều là tiểu đường type 1

 

Trả lời:

 

– Tiểu đường ở trẻ em đa phần là tiểu đường type 1. 

 

Các yếu tố thuận lợi của tiểu đường type 1 ở trẻ em là di truyền từ cha mẹ, stress làm gia tăng các nội tiết tố liên quan đến đường huyết, nhiễm vi sinh vật (vi trùng, siêu vi, ký sinh trùng – trong môi trường, trong thực phẩm, trong một thời kỳ mắc bệnh nào đó), một số kháng thể có trong thức ăn và thuốc

 

Các loại thuốc được xem là có liên quan đến tiểu đường bao gồm: Acid Nicotinic, Cortisone, Interferon, thuốc điều trị AIDS, ung thư, thuốc diệt chuột…

 

Một vài nghiên cứu còn đề cập đến yếu tố BSA (Bovin Serum Albumin) có trong sữa bò có thể tạo kháng thể chống lại tế bào beta của tuyến tụy gây thiếu insulin. Vì vậy cũng có khuyến cáo cho rằng ở trẻ dưới 12 tháng tuổi không nên cho dùng sữa tươi (sữa bò nguyên chất) mà cần dùng các sữa ng thức đã được chế biến.

Câu 2. Bà mẹ đã mắc bệnh tiểu đường có nên mang thai? 

 

Trả lời:

 

– Bà mẹ bị tiểu đường vẫn mang thai bình thường. Ngay cả những bà mẹ không hề bị tiểu đường nhưng con cũng có thể bị tiểu đường.

 

Tỉ lệ di truyền bệnh tiểu đường từ cha mẹ sang con chỉ khoảng 10-20%, thậm chí nếu bé có gen tiểu đường nhưng ăn uống và vận động hợp lý thì có khi cũng không hình thành tiểu đường. 

Câu 3: Trẻ béo phì có dễ bị tiểu đường?

 

Trả lời: 

 

– Tiểu đường tuýp 2 thường gặp ở người lớn trên 40 tuổi, ít gặp ở trẻ em, và thường xuất hiện trên cơ địa béo phì.

 

Tuy nhiên, béo phì không phải là nguyên nhân gây tiểu đường, chỉ là yếu tố thúc đẩy đến tiểu đường trên một cá thể mang yếu tố di truyền mà thôi.

Câu 4: Quà vặt và thức ăn nhanh ngày càng phổ biến, cách nào để trẻ tự tuân thủ chế độ ăn của người tiểu đường? 

 

 

Đồ ăn nhanh ;à nguyên nhân làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường

 

Trả lời:

 

– Ăn vặt, ăn ngọt không phải là nguyên nhân trực tiếp gây tiểu đường, mà chỉ làm gia tăng nguy cơ tiểu đường thông qua béo phì mà thôi. 

 

Do đó, cần có kế hoạch kiểm soát cân nặng, không để trẻ tăng cân quá nhanh. Qua khỏi giai đoạn dưới sáu tháng tuổi, cần để trẻ tăng cân chậm lại, 200-300g mỗi tháng là mức trung bình. Chế độ ăn cần đầy đủ các nhóm thực phẩm bột, đạm, rau, béo một cách cân đối. Ăn nhiều rau quả tươi, uống đủ nước, không ăn nhiều chất béo và chất bột.

Câu 5: Các biến chứng tiểu đường ở trẻ có khác với người lớn tuổi?

 

Trả lời:

 

– Tiểu đường chỉ được xác định bằng cách thử đường huyết. Vì vậy muốn tầm soát cần thử máu định kỳ (chứ không phải tìm đường trong nước tiểu, vì khi đã có đường trong nước tiểu thì thường là tổn thương đã nặng, khó điều trị để phục hồi). Dùng thuốc ngay khi phát hiện bệnh và duy trì điều trị lâu dài, có khi phải dùng insulin thay thế suốt đời. Kèm theo thuốc là chế độ dinh dưỡng phù hợp và vận động tích cực. Cần chú ý ngay từ khi tuổi còn rất nhỏ cũng phải tập cho trẻ thói quen vận động thường xuyên, tốt nhất là cho trẻ theo đuổi một môn thể thao nào đó ít nhất một giờ/ngày. 

 

Biến chứng của tiểu đường không khác nhau giữa người trẻ và người lớn tuổi, tuy nhiên với trẻ em thường chỉ thấy xuất hiện biến chứng ở trẻ lớn (trên 10 tuổi) do tiểu đường đã tiến triển nhiều năm.

Câu 6: Các sai lầm thường thấy khi tự điều trị là gì?

 

Trả lời:

 

– Tiểu đường có khi phải dùng thuốc cả đời, vì vậy việc tự điều trị có thể làm gián đoạn việc điều trị đúng mức, làm bệnh tiến triển nhanh hơn, dễ có biến chứng hơn. Đến nay chưa có loại thuốc dân gian nào được xác định là thay thế được insulin trong điều trị tiểu đường type 1 ở trẻ em.

 

Nếu dùng thuốc đúng chỉ định và tuân thủ đúng việc theo dõi khi điều trị, người bệnh có thể chung sống lâu dài và hòa bình với căn bệnh mạn tính này.

Câu 7: Bảo vệ bàn chân ở người bệnh đái tháo đường thế nào?

 

Trả lời:

 

– Đái tháo đường nếu không được kiểm soát tốt sẽ dẫn đến các bệnh lý nguy hiểm khác như tim mạch, thận, mắt… và viêm nhiễm đôi bàn chân. Nhiều trường hợp do viêm nhiễm quá nặng có thể dẫn đến phải cắt cụt chi. Để bảo vệ bàn chân của người đái tháo đường tránh bị nhiễm khuẩn cần chú ý những yếu tố sau: Luôn mang giày dép mềm để tránh dẫm phải những vật nhọn, nên mang giày vừa chân, nên thay giày sau khi mang liên tục 4-5 giờ. Khi mang giày phải có tất, nên dùng tất cotton hay chất len, nên thay tất thường xuyên nếu ra nhiều mồ hôi. Rửa chân sạch sẽ hàng ngày và tránh ngâm chân lâu trong nước, nếu bị khô nẻ ở chân thì dùng kem dưỡng ẩm.

 

Quan tâm đến các vết chai ở chân, không để hình thành các nốt phỏng rộp. Khi bị viêm loét cần được đi khám và được hướng dẫn điều trị. Bị đái tháo đường thì không chỉ bảo vệ bàn chân mà còn cần phải kiểm soát đường huyết chặt chẽ để tránh các biến chứng khác. Dù điều kiện sống ở nông thôn hay ở thành phố thì việc chủ động phòng ngừa bệnh vẫn là quan trọng nhất.

Câu 8: Tôi đang mang thai và bị đái tháo đường. Tôi rất băn khoăn không biết có nên giảm cân để điều chỉnh đường huyết. Nếu tiếp tục tăng cân, tôi rất sợ có những biến chứng xấu xảy ra do không kiểm soát được đường huyết. Xin bác sĩ cho tôi lời khuyên tốt nhất để vừa chữa được bệnh đái tháo đường, vừa không gây ảnh hưởng đến thai nhi.

 

 

Phụ nữ mang thai mà bị tiểu đường có nên giảm cân không? 

 

Trả lời:

 

– Đái tháo đường ở phụ nữ đang mang thai rất dễ có những biến chứng thai sản. Sức khỏe của người mẹ cũng bị đe dọa trước những biến chứng đái tháo đường, vì vậy đòi hỏi phải có sự chăm sóc và điều trị.

 

Những bệnh nhân đái tháo đường khi có thai, cần điều trị tình trạng tăng đường huyết, theo dõi đường huyết để điều chỉnh được nồng độ đường huyết bằng cách điều chỉnh chế độ ăn và insulin.

 

Trong chế độ ăn, do nhu cầu calo của người phụ nữ mang thai cao hơn so với người bình thường, nên không cần giảm calo để kiểm soát đường huyết, thậm chí còn được phép tăng cân ưong thời kỳ có thai. Tuy nhiên phải hạn chế thức ăn nhiều chất béo, mỡ động vật, hạn chế sử dụng đường hóa học và phải cung cấp đủ protein. Nên ăn mỗi ngày 3 bữa và một bữa phụ vào buổi tối trước khi đi ngủ. 

 

Trong trường hợp điều trị đái tháo đường bằng chế độ ăn không còn hiệu quả thì phải kết hợp điều trị bằng insulin. Đối với bệnh nhân đã bị đái tháo đường trước thời kỳ có thai thường phải tiêm insulin 2 lần/ngày. cần theo dõi sát sao đường huyết, nên đo đường huyết vào lúc 9 giờ tối và 3 giờ sáng sau khi đã có bữa ăn phụ để đánh giá đúng nhu cầu insulin cần đưa vào.

 

Cần lưu ý, phụ nữ mang thai đang điều trị ngoại trú bằng insulin nhưng đường huyết không ổn định cần phải đưa bệnh nhân vào điều trị nội trú trong bệnh viện, đặc biệt thời gian trước  sau khi đẻ.

 

Bị đái tháo đường trong khi có thai, người bệnh thường chỉ cần các biện pháp điều trị thông thường, không cần phải có chế độ điều trị tích cực. Hầu hết bệnh nhân được điều trị như đái tháo đường type 2, bệnh nhân có thể không cần phải giảm cân nhưng không nên dùng các thuốc hạ đường huyết.

 

Biến chứng mãn tính của bệnh đái tháo đường rất quan trọng đối với bệnh nhân có thai, nhất là những người bị bệnh này đã lâu. Đó là biến chứng võng mạc, bệnh nhân có thể bị nặng lên rất nhanh trong thời kỳ có thai, ảnh hưởng đến sức khoẻ của mẹ và con; biến chứng bệnh mạch máu lớn, vi mạch có thể làm giảm tuần hoàn nhau thai, đây là biến chứng đe dọa đến sự sống của thai nhi.

 

Vì những biến chứng nguy hiểm trên, người phụ nữ mang thai mà bị đái tháo đường ngoài chế độ dùng insulin, luôn cần quan tâm đến chế độ ăn. Không ăn quá nhiều đồ ngọt, chất béo, đường, nhưng phải đảm bảo dinh dưỡng cho thai nhi phát triển.