Sức đề kháng là khả năng phòng vệ của cơ thể, “hàng rào chắn” chống lại sự xâm nhập của các yếu tố ngoại lai gây bệnh như: virus, vi khuẩn, ký sinh trùng,…Sức đề kháng trong cơ thể được tạo ra từ hệ thống miễn dịch. Nếu có một sức đề kháng tốt, cơ thể bạn sẽ ngăn chặn được những tác nhân gây hại từ môi trường xung quanh hoặc tìm cách loại bỏ, tiêu diệt nếu chúng đã xâm nhập vào bên trong.
Hệ miễn dịch là gì?
Hệ thống miễn dịch của con người gồm có 3 loại: miễn dịch tự nhiên (hay bẩm sinh) và miễn dịch thu được (hay còn gọi là miễn dịch thích nghi) và miễn dịch thụ động. Trong đó, miễn dịch tự nhiên là dòng đáp ứng miễn dịch đầu tiên của cơ thể, liên quan đến di truyền (da, niêm mạc…). Miễn dịch thu được do con người tạo ra để giúp cơ thể sinh ra chất chống lại tác nhân gây bệnh. Miễn dịch thụ động là việc cung cấp kháng thể thụ động vào cơ thể một người thay vì cơ thể đó phải tự sản xuất chúng thông qua hệ thống miễn dịch của cơ thể (kháng thể qua nhau thai, sữa mẹ hay chế phẩm máu có chứa kháng thể…).
Muốn có hệ miễn dịch tốt cho cơ thể, bạn cần cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết thông qua chế độ ăn hằng ngày, dưới đây là một số chất dinh dưỡng cần thiết giúp gia đình bạn có sức đề kháng tốt hơn
Rau xanh họ súp lơ
Các loại rau họ cải như bông cải xanh rất giàu vitamin và chất chống oxy hóa. Đây là chìa khóa để cải thiện sức khỏe tổng thể cho bạn. Hàm lượng cao Choline cũng có thể được tìm thấy trong các loại rau này và vi chất này sẽ giúp giữ cho các tế bào của bạn hoạt động đúng chức năng, đồng thời hỗ trợ sức khỏe đường tiêu hóa; tống các vi khuẩn ra khỏi cơ thể của bạn, đồng nghĩa với giảm bệnh tật trong cơ thể. Glutathione là một loại vitamin chống oxy hóa mạnh mẽ được tìm thấy trong bông cải trắng, rất tốt cho việc đẩy lùi bệnh tật.
Trái cây giàu Vitamin C: bưởi, cam, quýt,…
Có vai trò tăng cường miễn dịch, cần thiết cho các tế bào miễn dịch lympho T và bạch cầu, từ đó làm tăng chức năng của hệ miễn dịch. Thiếu vitamin C, sự nhạy cảm với các bệnh nhiễm khuẩn tăng lên, tính thấm mao mạch tăng, mạch dễ vỡ, da khô ráp. Nếu bổ sung đủ vitamin C, các globulin miễn dịch IgA và IgM tăng, hoạt tính của bạch cầu tăng, kích thích chuyển dạng các lympho và giúp hình thành các bổ thể. Hơn 90% lượng vitamin C có trong các loại rau củ: rau ngót, rau dền, rau đay, rau mồng tơi,… đến các trái cây như bưởi, đu đủ, quýt, cam, chanh,…
Lòng đỏ trứng
Đây là thực phẩm có hàm lượng cực kỳ cao protein, kẽm, selen và các khoáng chất rất quan trọng khác. Tất cả những điều này đã chứng tỏ lợi ích của lòng đỏ trứng trong việc tăng cường hệ thống miễn dịch và sức khỏe. Lưu ý rằng long đỏ trứng cũng có lượng cholesterol rất cao, nên khi tiêu thụ ở mức vừa phải mới đem lại lợi ích to lớn. Lòng đỏ trứng cũng có thể giúp chống lại cảm lạnh thông thường và các thiếu sót khác liên quan đến khả năng miễn dịch.
Cá, dầu cá, ngũ cốc
Cá cung cấp Canxi và vitamin D tốt cho xương. Canxi là một trong những khoáng chất chính tạo nên xương. Canxi trong cơ thể được tích trữ ở xương. Vì vậy, nếu không được bổ sung đủ lượng Canxi cần thiết, khi đó cơ thể sẽ lấy canxi từ xương. Nếu quá trình này diễn ra liên tục trong một thời gian dài, xương bị mất dần canxi, ảnh hưởng đến độ chắc khỏe của xương.
Bên cạnh việc không cung cấp đủ Canxi, thì khẩu phần ăn thiếu vitamin D cũng là một trong những nguyên nhân chính làm thiếu Canxi trong cơ thể.
Cách đơn giản nhất để đảm bảo cơ thể được cung cấp đầy đủ vitamin D là sử dụng các thực phẩm bổ sung vitamin D hàng ngày như cá hồi, lòng đỏ trứng, nấm, …
Gừng
Gừng có tính năng giúp giảm viêm, giảm đau họng và một số bệnh viêm khác. Ngoài ra nó còn giúp giảm cảm giác buồn nôn. Gừng giúp làm giảm các triệu chứng đau và làm chậm quá trình tạo cholesterol theo như một nghiên cứu mới đây trên động vật. Chế biến gừng vô cùng đa dạng, có thể dùng như gia vị trong bữa ăn, hoặc có thể dùng nấu chín, các gia vị ăn kèm, hoặc pha trà gừng để uống.
Sữa chua
Sữa chua có chứa vi khuẩn sống giúp bảo vệ đường ruột chống lại bất kỳ căn bệnh tiêu hóa nào, đồng thời xây dựng một hệ miễn dịch mạnh mẽ. Nó giúp ngăn ngừa cảm lạnh thông thường. Một số vi chất đã được tìm thấy trong sữa chua giúp chống lại một số bệnh nhất định, thậm chí cả ung thư.
Tỏi
Đứng đầu trong danh sách các thực phẩm để phòng cúm chính là tỏi. Có thể sử dụng tỏi tươi trong nấu ăn hàng ngày. Hàm lượng tỏi theo khuyến cáo của các chuyên gia là từ 1-3 tép tỏi 1 ngày cho 1 người. Không nên ăn quá nhiều vì ăn quá nhiều cũng có thể gây độc. Chế biến tỏi nên đập dập hoặc cắt lát tỏi sau đó đợi 10-15 phút rồi hãy chế biến nhằm giữ lại tối đa công dụng của tỏi. Thêm nữa, khi chế biến không nên chế biến ở nhiệt độ quá cao. Nếu bổ sung tỏi bằng cách nấu nướng thì có thể dùng nhiều hơn 3 tép tỏi trong 1 ngày do trong quá trình nấu nướng một số công dụng của tỏi có thể mất đi phần nào.
Nhóm thực phẩm giàu vitamin A: cà rốt, cần tây,…
Gan động vật, cà rốt, cà chua, bí đỏ, gấc, Ớt chuông đỏ, khoai lang, cần tây, rau lá xanh. Vitamin A là một loại vitamin tan trong dầu, có tác dụng bảo vệ mắt, chống quáng gà và các bệnh khô mắt, đảm bảo sự phát triển bình thường của bộ xương, răng, bảo vệ niêm mạc và da, tăng cường sức đề kháng của cơ thể chống lại các bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp và đường tiêu hóa. Chính vì vậy, nên chú ý đến các thực phẩm giàu vitamin A, để tăng sức đề kháng phòng chống dịch bệnh
Việc ăn các loại thực phẩm giàu chất dinh dưỡng kể trên là cần thiết cho một hệ miễn dịch khỏe mạnh. Tuy nhiên cần lưu ý rằng, một chế độ ăn phong phú và đa dạng mới chính là chìa khóa cho một cơ thể khỏe mạnh. Vì vậy cần kết hợp các loại thực phẩm kể trên cùng với các nguồn thực phẩm thông thường khác trong chế độ ăn hàng ngày, kết hợp với tập luyện thể dục thể thao và uống nhiều nước để có một sức khỏe hoàn hảo.