Cơ thể chúng ta khỏe mạnh hay không là nhờ vào hệ thống miễn dịch tốt hay không tốt. Hệ miễn dịch có thể được ví von như là một “bức tường thành” vững chắc bảo vệ cơ thể khỏi các tác nhân gây hại cho cơ thể từ bên ngoài như nấm, vi khuẩn, virus hay từ bên trong như các tế bào bệnh. Vậy vai trò của hệ miễn dịch trong cơ thể ra sao? Nó quan trọng như thế nào? Cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây nhé!

 

 

Hệ miễn dịch là gì?

 

 

Hệ miễn dịch là hệ thống các cấu trúc và quá trình sinh học trong một cơ thể bảo vệ bệnh tật của cơ thể sinh vật bằng cách xác định các kháng nguyên lạ và giết chết các vi sinh vật lạ tế bào bất thường. Đó là mạng lưới vô cùng phức tạp của các tế bào, mô và các bộ phận giúp bảo vệ cơ thể con người khỏi các tác nhân xâm nhập như vi khuẩn virus ký sinh trùng cũng như các rối loạn của tế bào.

 

 

Vai trò của hệ miễn dịch với sức khỏe con người

 

Như đã nói, hệ miễn dịch đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với sức khỏe của cơ thể, là bức tường thành vững chắc giúp con người luôn trong tình trạng khỏe mạnh, không bị bệnh tật.

Bảo vệ cơ thể khỏi các tác nhân gây bệnh bên ngoài

 

 

Đầu tiên, “đội quân” miễn dịch cần phải phân biệt được đâu là “quân ta”, đâu là “quân địch” và đâu là tế bào cơ thể, đâu là tế bào lạ bên ngoài.

 

Điều này được thực hiện bằng cách phát hiện các protein được tìm thấy trên bề mặt của tất cả các tế bào, sau đó hệ thống sẽ tự học cách bỏ qua các protein của chính nó.

 

Khi “những kẻ xâm lược” khiến con người mắc bệnh bao gồm vi khuẩn, virus, ký sinh trùng, và thậm chí là nấm, có mặt ở khắp mọi nơi như trong nhà, nơi làm việc và môi trường tự nhiên, thì phản ứng miễn dịch được diễn ra như sau:

 

– Kích hoạt hệ thống tự phòng thủ khi bị các tác nhân xấu tấn công thì tạo ra một rào cản ngăn chặn mầm bệnh hoặc kháng nguyên lạ xâm nhập vào cơ thể. (kháng nguyên là loại chất có thể gây ra phản ứng miễn dịch. Trong nhiều trường hợp, kháng nguyên là vi khuẩn, nấm, virus, độc tố hoặc cũng có thể là tế bào của chính cơ thể bị lỗi hoặc chết).

 

– Nếu “quân địch vượt rào”, hệ miễn dịch sẽ tiếp tục sản sinh các tế bào bạch cầu, cũng như các hóa chất và protein khác nhằm tấn công và phá hủy những yếu tố lạ có thể gây hại này.

 

– Trong trường hợp các yếu tố gây bệnh quá mạnh và việc “chiến đấu” thất bại, hệ thống phòng thủ của cơ thể sẽ tăng cường hoạt động mạnh mẽ hơn nữa để kìm hãm, không để cho mầm mống gây bệnh phát triển thêm.

Tạo kháng thể chống lại bệnh cũ tái phát

 

Như đã nói, mỗi mầm bệnh mang một loại kháng nguyên cụ thể và mỗi tế bào lympho là một “chiến sĩ áo trắng” trong cơ thể mang các kháng thể để chống lại các kháng nguyên do mầm bệnh mang theo.

 

Có ba loại tế bào lympho chính trong cơ thể: tế bào B, tế bào T và tế bào tiêu diệt tự nhiên.

 

– Tế bào B tạo ra kháng thể tấn công vi khuẩn, vi rút và chất độc xâm nhập vào cơ thể.

 

– Tế bào T tiêu diệt các tế bào trong cơ thể đã bị vi rút xâm nhập hoặc đã trở thành ung thư. 

 

– Tế bào tiêu diệt tự nhiên giúp giải quyết các tế bào bị nhiễm trùng hoặc ung thư. Nhưng thay vì tạo ra kháng thể, chúng tạo ra một loại enzyme hoặc chất hóa học đặc biệt giết chết các tế bào xấu ấy.

 

Cơ thể tạo ra các kháng thể mới bất cứ khi nào xuất hiện một kháng nguyên gây bệnh. Nếu cùng một kháng nguyên lây nhiễm cho bạn lần thứ hai, cơ thể bạn có thể nhanh chóng tạo ra các bản sao của kháng thể tương ứng để tiêu diệt nó.

 

Đó chính là cơ chế ngăn chặn bệnh cũ tái phát của hệ miễn dịch.

Giúp trẻ có hệ miễn dịch khỏe mạnh 

 

 

Con người được sinh ra với một hệ miễn dịch và sức đề kháng nhất định, song chúng sẽ cải thiện dần theo thời gian. Vì thế, ở giai đoạn 2 năm đầu đời, hệ miễn dịch có vai trò vô cùng quan trọng đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.

 

Có một hệ miễn dịch khỏe mạnh đồng nghĩa với việc trẻ có sức đề kháng trước sự tấn công của vi khuẩn, vi trùng có hại.

 

Khi trẻ em thường xuyên mắc các bệnh cảm vặt, hệ thống miễn dịch sẽ tạo ra một “ngân hàng” kháng thể trong lần đầu tiên tiếp xúc với căn bệnh và hình thành khả năng chống lại chúng trong tương lai.

 

Tóm lại, vai trò của hệ thống miễn dịch là thực hiện các phản ứng nhanh và chuyên biệt nhằm bảo vệ cơ thể chống lại những mầm bệnh ngoại lai. Sức đề kháng của cơ thể đối với những đợt cảm cúm thông thường cho đến một số bệnh lý nguy hiểm cho thấy tầm quan trọng của hệ miễn dịch. Mặc dù các rối loạn liên quan đến hệ miễn dịch và sức đề kháng thường rất khó ngăn chặn, con người vẫn có thể xây dựng hệ miễn dịch của cơ thể mạnh mẽ hơn nhờ vào lối sống khoa học và sự phối hợp chặt chẽ với bác sĩ nếu mắc bệnh.