Trẻ suy dinh dưỡng, thấp còi là tình trạng cơ thể bé bị thiếu hụt các chất dinh dưỡng cần thiết, vấn đề này có thể xảy ra ở trẻ em từ khi còn là bào thai cho đến người đã trưởng thành. Trẻ bị suy dinh dưỡng sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình phát triển và sự tăng trưởng bình thường của trẻ.
Dưới đây là một số nguyên nhân có thể có thể dẫn con bạn đến tình trạng mãi “không thể lớn”
1. Mẹ thiếu chất dinh dưỡng khi mang thai
Dinh dưỡng trong thai kỳ của mẹ không đảm bảo đầy đủ và cân đối các nhóm chất: bột đường, đạm, béo, vitamin và khoáng chất, cũng như các vitamin và khoáng chất thiết yếu là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ sơ sinh
2. Cha mẹ thiếu kiến thức nuôi con
Trẻ không được bú sữa mẹ, cho ăn dặm không đúng cách, không biết cách lựa chọn thực phẩm phù hợp với trẻ, cho trẻ ăn quá ít lần trong ngày, kiêng khem quá đáng khi trẻ bệnh. Chế biến thức ăn không hợp khẩu vị và lứa tuổi của trẻ
3. Mắc các bệnh lý
Trong những năm đầu đời, trẻ có hệ miễn dịch chưa hoàn thiện, nếu không được tiêm chủng đầy đủ có nguy cơ mắc các bệnh nhiễm khuẩn như: viêm phổi, viêm đường hô hấp, tiêu chảy… tái đi tái lại nhiều lần. Khi bệnh, trẻ có hiện tượng biếng ăn hoặc phải sử dụng nhiều loại thuốc kháng sinh sẽ làm mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột làm giảm khả năng hấp thu dinh dưỡng
4. Chế độ dinh dưỡng nghèo nàn, thiếu chất
Một trong những nguyên nhân chính gây nên tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ chính là chế độ ăn uống nghèo nàn và thiếu chất. Cụ thể, nếu khẩu phần ăn của trẻ bị thiếu hụt protein năng lượng và các vi chất dinh dưỡng, điều này không những gây suy dinh dưỡng ở trẻ em mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển chiều cao của trẻ, nhất là ở những trẻ không được nuôi bằng sữa mẹ và ăn bổ sung không hợp lý như: ăn bổ sung sớm, thức ăn đơn điệu, không đủ các chất dinh dưỡng
5. Trẻ ít vận động
Ít cho trẻ vận động, tập thể dục dẫn đến trẻ biếng ăn, yếu ớt, kém ngủ và chậm tăng cân, các tế bào xương không phát triển khiến tình trạng thấp còi càng trở nên nghiêm trọng hơn.
6. Thiếu hormone tăng trưởng
Thiếu nội tiết tố tăng trưởng hay còn gọi là hormone tăng trưởng (GH). Khi cơ thể gặp vấn đề về sản xuất và phóng thích nội tiết tố tăng trưởng không đủ dẫn đến thiếu nội tiết tố tăng trưởng.
Theo tiêu chuẩn Việt Nam, trẻ mới sinh có chiều cao từ 48 đến 52 cm. Trong năm đầu bé tăng khoảng 20 đến 25 cm, năm thứ hai thêm 12 cm, năm thứ ba tăng 10 cm, năm thứ tư thêm 7 cm. Từ 4 đến 11 tuổi, trẻ tăng trung bình 6 cm mỗi năm. Đến tuổi dậy thì, bé gái cao thêm từ 6 đến 10 cm mỗi năm, bé trai từ 6,5 đến 11 cm. Nếu trẻ không đạt mức tăng trưởng chiều cao bình thường đó, cha mẹ nên đưa bé đi khám và tầm soát chậm tăng trưởng chiều cao để được bác sĩ tư vấn biện pháp can thiệp sớm, tránh ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất về sau